Vừa qua, tại TP.HCM, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 4, nhiệm kỳ thứ I. Ông Trần Việt Anh Nam Thái Sơn, Chủ tịch Hiệp hội chủ trì Hội nghị.

Hội nghị đánh giá tổng kết công tác hoạt động của Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam (Hiệp hội) năm 2022, triển khai phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Theo đó, trong năm 2022, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của cả nước, trong đó, có công tác Hiệp hội.

Tuy nhiên, với sự cố gắng nỗ lực, Hiệp hội vẫn đạt được một số kết quả nhất định trong công tác khoa học – công nghệ, xúc tiến thương mại, kết nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước; Phản ánh các ý kiến của hội viên, doanh nghiệp lên các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài nguyên và Môi trường tại chương trình EPR Quốc gia… 

Năm 2023 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, Hiệp hội tiếp tục khảo sát, tìm hiểu nhu cầu xúc tiến thương mại của hội viên để có biện pháp hỗ trợ. Không ngừng đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa các hiệp hội, các tổ chức xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho doanh nghiệp và hội viên tham gia chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Tổ chức các gian hàng của Hiệp hội tại hai hội chợ lớn về môi trường và nhựa y tế tại TP Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh chương trình đào tạo định kỳ hàng quý cho hội viên trong lĩnh vực tái chế…

Đánh giá tiềm năng lĩnh vực tái chế rác thải, các chuyên gia cho rằng: Việt Nam là quốc gia có lượng rác thải nhựa ra biển nhiều thứ 4 thế giới, mức độ ô nhiễm nhựa đứng thứ 17 toàn cầu. Trung bình mỗi năm, Việt Nam thải khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon.

Dù rác thải trong nước có khối lượng rất lớn nhưng Việt Nam lại là nước nhập phế liệu đứng thứ 2 trên thế giới. Tính riêng năm 2021, ngành nhựa phải nhập khẩu 11 tỷ USD hạt nhựa nguyên sinh và 8 tỷ USD nhựa thành phẩm, bán thành phẩm. Nghịch lý đến vô lý này đang diễn ra, đó là phải nhập khẩu phế liệu về để tái chế, nhưng trong nước lại bỏ đi nguồn nguyên liệu dồi dào có thể tái chế từ rác thải, bỏ ra nhiều chi phí khác để xử lý số rác thải này.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Trần Việt Anh, Việt Nam phải đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp tái chế. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả để giảm chất thải ra môi trường, đồng thời, thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.

Được thành lập theo Quyết định số 412/QĐ-BNV, ngày 23/3/2021 của Bộ Nội vụ, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp; hoạt động trong lĩnh vực tái chế chất thải theo quy định của pháp luật (không gồm các chất thải trong lĩnh vực y tế và xây dựng). 

Hiệp hội tập hợp, đoàn kết các tổ chức và công dân Việt Nam đang hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp trong lĩnh vực tái chế, tái sử dụng chất thải, nhằm định hướng, phát triển các hoạt động chuyên môn liên quan; hợp tác, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong tái chế chất thải; chuyên môn hóa, tiếp cận công nghệ tái chế tiên tiến, mới nhất của thế giới cho hội viên để nâng cao hiệu quả thu hồi, tái sử dụng chất thải, giảm phát thải ra môi trường. Đồng thời, làm cầu nối với cơ quan hữu quan trong giám sát thực hiện các quy định về tái chế; đẩy mạnh hoạt động tái chế trong nước, hạn chế và giảm thiểu tối đa việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam.

(Nguồn: Minh Thu – Tạp chí xây dựng)