Sự hỗ trợ của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh – Quỹ học bổng Trần Đình Trấp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm động viên, khích lệ và tiếp sức cho con em huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Sáng 4/3, UBND huyện Can Lộc phối hợp với Quỹ học bổng Trần Đình Trấp và Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ ký kết tài trợ học bổng từ năm 2017 – 2030 và trao học bổng năm học 2022 – 2023.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải cùng dự.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Việt Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban điều hành Quỹ học bổng Trần Đình Trấp cho biết: Ngày 16/2/2017, Quỹ học bổng mang tên cụ Trần Đình Trấp – cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên lãnh đạo Ban Kinh Tài (Trung ương Cục miền Nam) được con cháu trong dòng họ lập nên. Tại lễ ra mắt, Quỹ đã trao 50 suất học bổng, 5 bộ máy tính, 100 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong họp tập. Năm 2018, tại xã Gia Hanh, Quỹ đã trao 115 suất học bổng 100 triệu đồng cho học sinh huyện Can Lộc.
Sau thời gian gián đoạn do dịch COVID-19, năm nay, Quỹ học bổng Trần Đình Trấp khởi động trở lại với số lượng các suất học bổng nhiều hơn so với các năm trước. Quỹ cam kết sẽ đồng hành cùng UBND huyện Can Lộc nói chung và ngành giáo dục huyện nói riêng tiếp tục hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Theo đó, Quỹ ký kết tài trợ học bổng trị giá 3 tỷ đồng cho các em học sinh trên địa bàn huyện Can Lộc đến năm 2030.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Đảng bộ, Nhân dân huyện Can Lộc, Chủ tịch UBND huyện Đặng Trần Phong cảm ơn sự giúp đỡ của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và Quỹ học bổng Trần Đình Trấp, đồng thời khẳng định, hoạt động của Quỹ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm động viên khích lệ và tiếp sức cho con em huyện Can Lộc có thêm động lực để vượt lên hoàn cảnh khó khăn trên con đường học tập.
Dịp này, Quỹ học bổng Trần Đình Trấp đã trao tặng 114 suất học bổng, 10 xe đạp; Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh ủng hộ 10 chiếc xe đạp cho các em học sinh, sinh viên vượt khó học tập tốt với tổng giá trị hơn 140 triệu đồng.
Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh, ngoài các yếu tố chất lượng hay giá cả hàng hóa, thì bao bì ngày càng chiếm một vai trò quan trọng, tác động lớn đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng.
Đây là nhận định của chuyên gia, doanh nghiệp tại hội thảo “Xu hướng mới trong đóng gói, bao bì – thị trường nội địa và xuất khẩu” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng Hiệp hội Nhựa Việt Nam tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 22/12.
Theo một số chuyên gia, người tiêu dùng toàn cầu, trong đó có Việt Nam đã và đang có xu hướng lựa chọn nhiều sản phẩm có nguồn gốc thực vật, mang yếu tố tốt cho sức khỏe, sản phẩm bản địa, bảo vệ môi trường… Những chủng loại bao bì, chất liệu bao bì thân thiện môi trường là yếu tố được số đông người tiêu dùng ủng hộ, chọn mua.
Chính vì vậy, doanh nghiệp cần đặt mình vào địa vị người mua để nắm bắt nhu cầu khách hàng và thị hiếu tiêu dùng mới trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Nếu như bao bì bắt mắt, khơi gợi tò mò… có thể thu hút khách hàng mua lần đầu, nhưng tính bền vững, tiêu chuẩn và thông tin trên bao bì sẽ giữ chân họ dài lâu.
Đối với sản phẩm xuất khẩu, doanh nghiệp cần biết rõ các yêu cầu tại thị trường mục tiêu liên quan đến bao bì để tránh những trường hợp hàng bị từ chối. Đồng thời, đơn vị sản xuất kinh doanh không nên dừng lại ở đổi mới sáng tạo sản phẩm, dịch vụ, mà nên chú động sử dụng bao bì đáp ứng xu hướng tiêu dùng để thu hút khách hàng.
Phân tích cụ thể, tham luận của chuyên gia Hồ Ngọc Phương Thảo chỉ ra rằng, bao bì thương phẩm của hàng hóa là bao bì chứa đựng hàng hóa và lưu thông cùng với hàng hóa có hai loại; trong đó, bao bì trực tiếp là bao bì chứa đựng hàng hóa, tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa, tạo ra hình khối hoặc bọc kín theo hình khối của hàng hóa; còn bao bì bì ngoài là bao bì dùng để bao gói một hoặc một số đơn vị hàng hóa có bao bì trực tiếp.
Còn bà Nguyễn Thị Xuân Yến, Nhà nghiên cứu về Phát triển bền vững, đánh giá xanh hóa bao bì không nằm ngoài mục tiêu tăng sức cạnh tranh và bảo vệ môi trường, nhất là tiếp cận xu hướng tiêu dùng mới trên toàn cầu và cơ hội tăng tốc hậu COVID-19. Do đó, tư duy lại bao bì cần phương pháp nghiên cứu phát triển bao trùm sản phẩm, bao vì, dịch vụ như cần cố gắng sử dụng chất liệu tái chế hơn là nguyên chất, ưu tiên hiệu quả và tương thích với hệ thống tái chế, táo sử dụng và xử lý tại địa phương.
Điển hình, tùy tính chất ngành hàng, cam kết của thương hiệu, giá trị cốt lõi doanh nghiệp và kỳ vọng mang lại trải nghiệm cho người… thì định hướng tuần hoàn, gồm: tái chế, dùng lại, tái tạo, cách tân… Mặc dù vậy, doanh nghiệp cần chú trọng công năng của bao bì, tiện nghi cho người dùng, phòng tránh độc hại xâm nhập, sử dụng một loại chất liệu.
Hơn thế nữa, nhằm chuẩn bị cho sự bùng nổ sâu rộng của thương mại điện tử đòi hỏi ngành bao bì, nhất là thiết kế bao bì tối ưu hóa cho toàn chuỗi cung ứng. Đồng thời, bao bì carton sóng chiếm ưu thế, cơ hội cho bao bì nhựa mềm có thành phần tái chế.
Thống kê, thị trường bao bì nhựa cứng Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm ở mức 12,3%, dự báo đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2022, với động lực tăng trưởng từ ngành đồ uống, thực phẩm; đồ dùng gia đình và chăm sóc sức khỏe…
Còn thị trường bao bì nhựa mềm có hai nhóm sản phẩm là bao bì màng đơn và bao bì màng phức hợp. Thị trường sản phẩm này được thúc đẩy nhờ nhu cầu từ ngành thực phẩm đóng gói như cà phê hòa tan, gia vị và xuất khẩu thủy sản.
Tính chung tổng sản lượng bao bì giấy do Việt Nam sản xuất đạt 4,76 triệu tấn (2021) và 4,94 triệu tấn (dự kiến 2022). Bên cạnh đó, khối lượng tiêu thụ giấy bao bì đạt 5,2 triệu tấn (2021) và 5,5 triệu tấn (dự kiến 2022). Ngoài ra, trên bản đồ thế giới, ngành bao bì Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép CARG rất cao, dự kiến duy trì ở tốc độ 12,3%/năm đến năm 2023.
Theo cộng đồng doanh nghiệp, ngoài hai xu hướng là bền vững và chuyển đổi số, ngành bao bì còn được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng kinh tế, gia tăng dân số, nhu cầu người tiêu dùng về bao bì nhẹ – tiện dụng – dễ mang đi. Các doanh nghiệp cũng đưa ra dự báo, tốc độ tăng trưởng tốt của nhiều ngành tại thị trường nội địa và xuất khẩu cũng mang lại cơ hội tăng trưởng lớn cho ngành bao bì Việt Nam.
Nhằm thể hiện lòng kính trọng, sự biết ơn đối với các Y – Bác sĩ, những Người đã tận tâm tận lực cống hiến vì sức khỏe cộng đồng, vì sức khỏe người dân trên địa bàn TP. Thủ Đức, Sáng ngày 27.02.2023, BCH Hội Doanh nghiệp Thành phố Thủ Đức đã tổ chức Đoàn thăm hỏi Y – Bác sĩ tại các Bệnh viện trên địa bàn Thành phố nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Đoàn thăm hỏi bao gồm Chủ tịch Trần Việt Anh Nam Thái Sơn, anh Lê Quốc Hội – PCT, Chị Mai Thùy Linh – PCT, Chị Đặng Thị Thu Ba – PCT, Chị Nguyễn Thị Kim Nhựt – Tổng Thư ký cùng các Anh Chị UV BCH.
Chỉ trong một buổi sáng, Đoàn đã đến thăm và chúc mừng các Y Bác sĩ tại các bệnh viện: Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức và Nha khoa Quốc tế BIK. Tại buổi thăm hỏi, Đoàn đã được nghe những chia sẻ và trăn trở của các Y Bác sĩ khi hoạt động trong ngành y, được giới thiệu về những thành tích và đóng góp của bệnh viện, phòng khám trong việc tiếp nhận, cải tiến những phương pháp điều trị bám sát với Y học Quốc tế.
Để cảm ơn những đóng góp to lớn của các Y Bác sĩ, Đoàn thăm hỏi của TBA cũng đã gửi tặng các bệnh viện những món quà và lẵng hoa tươi thắm nhằm thể hiện tinh thần tương hỗ và sẵn sàng kết nối, giúp đỡ của TBA đối với bệnh viện. Kính chúc các Y Bác sĩ luôn mạnh khỏe, tận tâm, tận tụy và cống hiến hết mình cho sự nghiệp cứu người.
Vừa qua, tại TP.HCM, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 4, nhiệm kỳ thứ I. Ông Trần Việt Anh Nam Thái Sơn, Chủ tịch Hiệp hội chủ trì Hội nghị.
Hội nghị đánh giá tổng kết công tác hoạt động của Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam (Hiệp hội) năm 2022, triển khai phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Theo đó, trong năm 2022, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của cả nước, trong đó, có công tác Hiệp hội.
Tuy nhiên, với sự cố gắng nỗ lực, Hiệp hội vẫn đạt được một số kết quả nhất định trong công tác khoa học – công nghệ, xúc tiến thương mại, kết nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước; Phản ánh các ý kiến của hội viên, doanh nghiệp lên các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài nguyên và Môi trường tại chương trình EPR Quốc gia…
Năm 2023 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, Hiệp hội tiếp tục khảo sát, tìm hiểu nhu cầu xúc tiến thương mại của hội viên để có biện pháp hỗ trợ. Không ngừng đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa các hiệp hội, các tổ chức xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho doanh nghiệp và hội viên tham gia chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Tổ chức các gian hàng của Hiệp hội tại hai hội chợ lớn về môi trường và nhựa y tế tại TP Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh chương trình đào tạo định kỳ hàng quý cho hội viên trong lĩnh vực tái chế…
Đánh giá tiềm năng lĩnh vực tái chế rác thải, các chuyên gia cho rằng: Việt Nam là quốc gia có lượng rác thải nhựa ra biển nhiều thứ 4 thế giới, mức độ ô nhiễm nhựa đứng thứ 17 toàn cầu. Trung bình mỗi năm, Việt Nam thải khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon.
Dù rác thải trong nước có khối lượng rất lớn nhưng Việt Nam lại là nước nhập phế liệu đứng thứ 2 trên thế giới. Tính riêng năm 2021, ngành nhựa phải nhập khẩu 11 tỷ USD hạt nhựa nguyên sinh và 8 tỷ USD nhựa thành phẩm, bán thành phẩm. Nghịch lý đến vô lý này đang diễn ra, đó là phải nhập khẩu phế liệu về để tái chế, nhưng trong nước lại bỏ đi nguồn nguyên liệu dồi dào có thể tái chế từ rác thải, bỏ ra nhiều chi phí khác để xử lý số rác thải này.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Trần Việt Anh, Việt Nam phải đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp tái chế. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả để giảm chất thải ra môi trường, đồng thời, thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.
Được thành lập theo Quyết định số 412/QĐ-BNV, ngày 23/3/2021 của Bộ Nội vụ, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp; hoạt động trong lĩnh vực tái chế chất thải theo quy định của pháp luật (không gồm các chất thải trong lĩnh vực y tế và xây dựng).
Hiệp hội tập hợp, đoàn kết các tổ chức và công dân Việt Nam đang hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp trong lĩnh vực tái chế, tái sử dụng chất thải, nhằm định hướng, phát triển các hoạt động chuyên môn liên quan; hợp tác, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong tái chế chất thải; chuyên môn hóa, tiếp cận công nghệ tái chế tiên tiến, mới nhất của thế giới cho hội viên để nâng cao hiệu quả thu hồi, tái sử dụng chất thải, giảm phát thải ra môi trường. Đồng thời, làm cầu nối với cơ quan hữu quan trong giám sát thực hiện các quy định về tái chế; đẩy mạnh hoạt động tái chế trong nước, hạn chế và giảm thiểu tối đa việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam.
Ông Trần Việt Anh, nhà sáng lập Nam Thái Sơn Group, đơn vị cung cấp bao bì sinh học cho Co.op Mart, Family Mart, Circle K,… cho rằng việc xây dựng thương hiệu ra nước ngoài là nhờ các sản phẩm sản xuất, và không mấy dự án bất động sản làm được điều này.
Mới đây, trong một tập được đăng tải trên kênh Maybe Podcast, ông Trần Việt Anh Nam Thái Sơn, nhà sáng lập Nam Thái Sơn Group đã xuất hiện trên sóng chương trình và có những chia sẻ về lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam.
Nói về Nam Thái Sơn Group, đây là tập đoàn không xuất hiện rầm rộ trên các kênh thông tin đại chúng hay mạng xã hội, song đơn vị này đang là khách hàng và đối tác của nhiều công ty hàng đầu tại Việt Nam như Vinamilk, Thế Giới Di Động, The Coffee House, TH true Milk, Pepsico, Nestle,…
Trong khi đó, ông Trần Việt Anh đóng vai trò là nhà sáng lập cũng như người dẫn dắt Nam Thái Sơn Group đến với những thành công như ngày hôm nay. Ông Việt Anh tốt nghiệp ngành kỹ sư cơ khí Đại học Bách Khoa.
Cuối thập niên 80, nhìn thấy nhu cầu và tiềm năng lớn của ngành sản xuất bao bì cùng khát khao làm được một điều to lớn cho sự nghiệp bản thân và cộng đồng, ông rời khỏi công việc mang tương lai vững chắc dù bị gia đình phản đối để dấn thân vào ngành sản xuất bao bì với công ty Nam Thái Sơn.
“Thời điểm đó, việc tôi ra làm công việc bên ngoài thay vì công việc nhà nước là câu chuyện rất khó khăn. Tôi tính toán rằng nếu làm công việc nhà nước, với thu nhập của một kỹ sư quản đốc năm 1987 thì phải mất 14 năm để mua một chiếc xe Honda. Tuy nhiên, khi ra làm bên ngoài, một năm sau tôi đã mua được rồi. Vì vậy, tôi cho rằng đó là quyết định hợp lý”, ông Việt Anh chia sẻ.
Dù vậy, việc ông Việt Anh quyết định ra ngoài làm riêng không bắt nguồn hoàn toàn từ vấn đề vật chất. Ông chia sẻ rằng thời điểm đó, nhu cầu với các sản phẩm nhựa rất lớn, và nguyên liệu chính phẩm gần như chưa nhập được.
“Bao nhiêu sản phẩm từ ve chai hồi đó đều được tiêu thụ hết. Ngoài ra, tôi cũng là kỹ sư cơ khí. Sự kết hợp này có thể cho ra những sản phẩm có thể tiêu thụ được. Đó là động lực thôi thúc tôi phải làm được một cái gì đó trước khi lấy vợ.
Nếu không ra ngoài làm, tôi nghĩ rằng những kiến thức ở trường sẽ không được ứng dụng nhiều. Tất nhiên, việc làm trong nhà nước cũng được ứng dụng một số kiến thức nhất định, nhưng khi ra ngoài, việc áp dụng trở nên thực tế hơn và ngay cả thất bại cũng là điều thực tế hơn”, ông Việt Anh nói thêm.
Năm 2002, doanh nghiệp của ông Việt Anh bắt đầu xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Trong quá trình xuất khẩu đi các nước, ông Việt Anh đã học được một số bài học giúp ích cho quá trình kinh doanh sau này.
“Khi đó, Việt Nam vẫn đang dùng các túi nilon bình thường. Ngay cả Mỹ và các quốc gia khác cũng đang dùng một cách bình thường. Dù vậy, thời điểm đó họ cũng tìm mọi cách để hạn chế việc sử dụng các loại túi nilon dùng một lần.
Trong quá trình xuất khẩu, tôi nhận thấy nhiều quốc gia bắt đầu quan tâm tới các loại túi tự hủy. Để sản xuất nguyên phụ liệu cho sản phẩm này ở thời điểm đó chỉ khoảng 3 – 4 quốc gia có khả năng. Thậm chí, chỉ có một số nước châu Âu mới có đủ khả năng đánh giá về chất lượng sản phẩm vào lúc đó. Điều đó thôi thúc chúng tôi thử nghiệm sản phẩm mới”, ông Việt Anh chia sẻ.
Tới năm 2008, sản phẩm bao bì sinh học đầu tiên của Nam Thái Sơn Group đã được ra mắt thị trường. Dù vậy, sản phẩm của doanh nghiệp vào thời điểm đầu vẫn gặp nhiều rào cản do người dùng chưa phân biệt được đâu là túi nilon thường, đâu là bao bì sinh học tự hủy.
Về sau, Co.op Mart đã trở thành đơn vị đầu tiên của nhà nước yêu cầu các hệ thống phải sử dụng túi tự hủy. Đó là lúc Nam Thái Sơn Group cùng một vài công ty khác có thể đáp ứng được ngay. Sau này, khi các tập đoàn nước ngoài như Aeon, Family Mart, Circle K,… tiến vào thị trường Việt và yêu cầu sử dụng các loại bao bì sinh học, tên tuổi của Nam Thái Sơn Group nhờ đó cũng được biết đến nhiều hơn.
Sản xuất là lĩnh vực vất vả
Sau hơn 30 năm hoạt động trên thương trường, có nhiều điều khiến ông Việt Anh cảm thấy khác biệt so với tưởng tượng khi bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực sản xuất.
“Thời điểm đó, tôi thường lấy hình ảnh của những tập đoàn như Hitachi, Bosch, Honda, Ford,… Họ đều giàu lên nhờ lĩnh vực sản xuất, và tôi cương quyết dấn thân vào lĩnh vực sản xuất, cứ có tiền là mở nhà máy sản xuất. Dù vậy, sau thời gian dài hoạt động trên thị trường, tôi nhận ra rằng mình làm 10 năm không bằng một số ngành khác làm vài tháng hoặc một năm. Đấy là điều làm tôi bất ngờ nhất”, ông Việt Anh cho biết.
“Sự thay đổi của thời cuộc khiến lĩnh vực sản xuất ngày càng nhỏ bé. Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất rất vất vả”, lãnh đạo Nam Thái Sơn Group cho biết. Ông Việt Anh cũng tổng hợp lại thị trường startup trong khoảng 5 năm qua, trong đó tỷ lệ startup hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chỉ chiếm chưa tới 1%.
“Sản xuất hoạt động quanh năm, trong khi những lĩnh vực khác như ngân hàng, bất động sản,.. có thể đóng cửa từ 5 giờ chiều. Các ngành này cũng không có tiếng ồn, không có tai nạn lao động,… Đó là những vấn đề mà tôi nghĩ rằng lĩnh vực sản xuất nên nhận được sự động viên nhiều hơn”, ông Việt Anh cho biết.
Tuy nhiên, ông Việt Anh cũng nói thêm rằng hầu hết nguồn vốn FDI vào Việt Nam đều đổ về lĩnh vực sản xuất, không có nhiều người làm trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, dịch vụ,…
“Sản xuất là đam mê của thế hệ trước. Tỷ lệ kế thừa của thế hệ sau là rất thấp. Thương mại dịch vụ vẫn lĩnh vực quan trọng, nhưng một nền kinh tế phải có ba chân. Việc xây dựng thương hiệu ra nước ngoài cũng là nhờ sản phẩm sản xuất, có mấy ai mang một dự án bất động sản ra nước ngoài để người ta nhắc tên. Tôi cho rằng sản xuất vẫn là công cụ marketing tốt nhất”, ông Việt Anh nhấn mạnh.
“Tôi từng hỏi một giám đốc công ty du lịch rằng: “Khi anh tiếp 100 khách nước ngoài tới Việt Nam làm ăn, có bao nhiêu người sang tìm mua nhà với bất động sản? Bao nhiêu người sang làm ngân hàng và nhà hàng?”. Người đó trả lời rằng: “Khoảng 70% – 80% khách hàng đi thẳng xuống các nhà máy, các công ty sản xuất để đặt hàng rồi mới qua ngân hàng bàn chuyện chuyển tiền”. Dù vậy, sản xuất lúc nào cũng là thứ yếu, sau cùng”, ông Việt Anh chia sẻ thêm.
Dù đối mặt với không ít khó khăn, lãnh đạo Nam Thái Sơn Group vẫn ủng hộ lĩnh vực sản xuất. “Tôi luôn khuyến khích các bạn trẻ dấn thân vào con đường khởi nghiệp sản xuất”, ông Việt Anh nhấn mạnh.
Chiều ngày 18/02/2023, Hội Doanh nghiệp Thành phố Thủ Đức đã tổ chức chương trình họp Ban chấp hành lần thứ V nhiệm kỳ 2022 – 2027 tại Hội quán doanh nhân Thành phố Thủ Đức (số 119 Đ.Võ Văn Ngân, Linh Chiểu, Thủ Đức, TP.HCM).
Cuộc họp Ban chấp hành lần này với sự chủ trì của chủ tịch Trần Việt Anh Nam Thái Sơn có sự tham gia của lãnh đạo phòng kinh tế Thành phố Thủ đức cùng Ban chấp hành Hội. Trong khuôn khổ chương trình, Ban chấp hành TBA đã có những thảo luận, trao đổi vô cùng sôi nổi, góp phần nhìn nhận và khắc phục kịp thời những mặt chưa làm tốt, đặt ra những phương hướng mới cho năm 2023.
Chương trình đã giải quyết và thống nhất được các nội dung quan trọng như:
• Nghị quyết và kế hoạch hoạt động Hội năm 2023. • Kế hoạch tổ chức chương trình kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ Nữ 8/3. • Kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm 01 năm ngày thành lập TBA.
Với những hoạt động đã đề ra trong kế hoạch cùng với việc tổ chức các sự kiện trọng điểm của năm 2023, Hội Doanh nghiệp TP.Thủ Đức hứa hẹn sẽ có nhiều hoạt động mang tính chất gắn kết doanh nghiệp Hội viên, tạo dấu ấn đến với cộng đồng doanh nghiệp TP.Thủ Đức và mang lại nhiều giá trị cho Hội.
Nghị quyết 01/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh năm 2023 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nền kinh tế hồi phục nhanh chóng, phát triển bền vững
Ông Trần Việt Anh Nam Thái Sơn – Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn: Trân trọng thành quả của doanh nghiệp
Trước khi nói về chính sách để kiến nghị, nên nói về thành quả. Lần đầu tiên, Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch 730 tỉ USD có sự đóng góp rất lớn của các DN sản xuất công nghiệp. Chúng ta đứng thứ nhất thế giới về xuất khẩu tiêu, đứng thứ 3 về dệt may, các ngành khác như xuất khẩu da giày, trái cây và rau quả, chế biến gỗ, gạo… đều đạt những thành tích hàng đầu. Lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản 10 tỉ USD, đứng thứ 3 thế giới hay riêng ngành nhựa của chúng tôi đã xuất khẩu 3,8 tỉ USD… Có 39 sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỉ USD.
Để hỗ trợ DN, cần truyền thông, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có tay nghề. Trong năm 2022, việc hỗ trợ đào tạo cho nguồn nhân lực có tay nghề ở TP HCM rất ít; năm 2023 cần tập trung đào tạo nhân lực ở các trường nghề. TP HCM không hút lao động phổ thông về mà chỉ nên quy hoạch tập trung lao động trình độ cao, có hàm lượng chất xám…
Vào ngày 11/02/2023 vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Gọi tắt là VCCI) đã tổ chức Hội nghị BCH lần thứ 5, khóa VII tại tòa nhà Sofic, số 10 Mai Chí Thọ, TP.HCM. Đây là lần đầu tiên Hội nghị được tổ chức tại TP.HCM – Trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước trong không khí vui tươi, phấn khởi của năm mới Quý Mão 2023.
Đến tham dự Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 5, khóa VII VCCI có:
Đại diện các cơ quan trung ương:
– Đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương có đồng chí Nguyễn Văn Phú.
– Đại diện Văn phòng Trung ương Đảng có đồng chí Nguyễn Hữu Thành.
– Đại diện Bộ Nội vụ có đồng chí Tạ Tấn – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ.
Đại diện VCCI:
– Ông Phạm Tấn Công – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch.
– Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch.
– Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch.
– Ông Nguyễn Quang Vinh – Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch.
– Ông Bùi Trung Nghĩa – Phó Chủ tịch.
– Ông Trần Bá Dương – Phó Chủ tịch.
– Bà Trần Thị Lan Anh – Tổng thư ký.
Cùng sự hiện diện của các đại biểu đến tham dự trực tiếp tại Hội nghị và các đại biểu online tại các điểm cầu trên toàn quốc.
Đặc biệt là sự tham gia của đại diện đến từ các doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu năm 2022. Trong đó, Ông Trần Việt Anh Nam Thái Sơn có mặt tại Hội nghị với tư cách Chủ tịch HĐQT, TGĐ công ty Cổ phần XNK Nam Thái Sơn – Một trong những doanh nghiệp nổi bật nhất trong lĩnh vực kinh doanh và xuất khẩu bao bì.
Trong khuôn khổ chương trình, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có những tổng kết công tác, đánh giá những hoạt động của tổ chức trong năm 2022 vừa qua. Tiếp sau đó là thảo luận chương trình cho năm mới 2023, lắng nghe những ý kiến, đóng góp từ nhiều phía lãnh đạo, đại diện doanh nghiệp, công ty… để có những chính sách đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của VCCI.
Theo báo cáo đánh giá của Viet Nam Report (công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam) các yếu tố chính quyết định sự tăng trưởng của các doanh nghiệp doanh nhựa trong bối cảnh hiện nay là:
– Thứ nhất, sự phát triển của thương mại điện tử: Mua sắm trực tuyến gia tăng cũng đang tạo ra và mở rộng các hướng đi mới về nhu cầu đóng gói, đặc biệt là đối với bao bì bảo vệ và vận chuyển bền vững. Để tận dụng được cơ hội này, các doanh nghiệp bao bì cần phải có những hướng đi mới, giải pháp thông minh hướng tới những doanh sản phẩm tự hủy, thân thiện với môi trường.
– Thứ hai, các Hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP, RCEP…) được ký kết và có hiệu lực: Các Hiệp định thương mại tự do này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu bao bì. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác sẽ tăng từ đó củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng.
– Thứ ba, nhu cầu sử dụng bao bì trên thế giới tăng: Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch covid 19, việc nhập khẩu bao bì ở một số nước trên thế giới bị gián đoạn nhằm đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh. Khoảng thời gian tới sẽ là khoảng thời gian mà các quốc gia này đẩy mạnh việc nhập khẩu bao bì để phục vụ cho nhu cầu trong nước, từ đó các doanh nghiệp xuất khẩu bao bì Việt sẽ có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu mới, duy trì nhịp độ xuất khẩu cũng như chuỗi sản xuất.